Địa chỉ: Phòng số LE-04.47 Lexington Residence, 67 Mai Chí Thọ, P. An Phú,TP.Thủ Đức
Mạng xã hội:

Email: lsnguyenquocanh@gmail.com

0919403605

0948300400

BÀN VỀ HÌNH THỨC CỦA VĂN BẢN UỶ QUYỀN THAM GIA TỐ TỤNG TRONG VỤ ÁN DÂN SỰ

BÀN VỀ HÌNH THỨC CỦA VĂN BẢN UỶ QUYỀN THAM GIA TỐ TỤNG TRONG VỤ ÁN DÂN SỰ

BÀN VỀ HÌNH THỨC CỦA VĂN BẢN UỶ QUYỀN THAM GIA TỐ TỤNG TRONG VỤ ÁN DÂN SỰ

BÀN VỀ HÌNH THỨC CỦA VĂN BẢN UỶ QUYỀN THAM GIA TỐ TỤNG TRONG VỤ ÁN DÂN SỰ

BÀN VỀ HÌNH THỨC CỦA VĂN BẢN UỶ QUYỀN THAM GIA TỐ TỤNG TRONG VỤ ÁN DÂN SỰ
BÀN VỀ HÌNH THỨC CỦA VĂN BẢN UỶ QUYỀN THAM GIA TỐ TỤNG TRONG VỤ ÁN DÂN SỰ

Lĩnh vực tư vấn

BÀN VỀ HÌNH THỨC CỦA VĂN BẢN UỶ QUYỀN THAM GIA TỐ TỤNG TRONG VỤ ÁN DÂN SỰ

11-11-2021 11:00:22 AM - 374
  1. Hình thức của văn bản uỷ quyền tham gia tố tụng trong vụ án Dân sự

1.1. Về việc công chứng, chứng thực văn bản uỷ quyền

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 86 Bộ Luật Tố tụng Dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015) thì “Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự theo nội dung văn bản ủy quyền”.

Căn cứ vào quy định trên thì việc uỷ quyền cho người khác tham gia tố tụng phải được lập thành văn bản. Rà soát toàn bộ các điều khoản trong BLTTDS 2015, chỉ có duy nhất một điều luật quy định là bắt buộc phải công chứng, chứng thực văn bản uỷ quyền (hoặc bắt buộc phải lập tại Toà án) trong trường hợp uỷ quyền thực hiện việc kháng cáo. Cụ thể, Khoản 6 Điều 272 BLDS [Đơn kháng cáo] quy định:

“6. Việc ủy quyền quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này phải được làm thành văn bản có công chứng, chứng thực hợp pháp, trừ trường hợp văn bản ủy quyền đó được lập tại Tòa án có sự chứng kiến của Thẩm phán hoặc người được Chánh án Tòa án phân công. Trong văn bản ủy quyền phải có nội dung đương sự ủy quyền cho người đại diện theo ủy quyền kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm.”

Như vậy, theo quy định của BLTTDS 2015 thì văn bản uỷ quyền tham gia tố tụng không buộc phải công chứng, chứng thực, trừ trường hợp uỷ quyền thực hiện việc kháng cáo. Tuy nhiên, nhìn vào tất cả các hồ sơ tố tụng tại Toà án hiện nay dễ khiến cho người ta nhầm tưởng rằng pháp luật bắt buộc phải công chứng, chứng thực văn bản uỷ quyền tham gia tố tụng, khi mà hầu hết các Toà án chỉ tiếp nhận các văn bản uỷ quyền có công chứng, chứng thực.

1.2. Văn bản uỷ quyền tham gia tố tụng là “Giấy uỷ quyền” hay “Hợp đồng uỷ quyền”?

Văn bản uỷ quyền tham gia tố tụng thường được ghi nhận dưới 02 hình thức là Giấy uỷ quyền và Hợp đồng uỷ quyền. Giấy uỷ quyền và Hợp đồng uỷ quyền mà tác giả đề cập trong phạm vi bài viết này được phân biệt rõ nét nhất qua đặc điểm pháp lý sau: Giấy uỷ quyền chỉ cần chứng thực chữ ký của Bên uỷ quyền; còn Hợp đồng uỷ quyền thì phải công chứng, chứng thực nội dung của hợp đồng và phải có đầy đủ 02 bên (Bên uỷ quyền và Bên được uỷ quyền) ký vào văn bản.

BLTTDS 2015 quy định việc uỷ quyền phải được lập thành văn bản, không nói rõ là hình thức văn bản như thế nào, do đó các Toà án chấp nhận cả 02 hình thức là Giấy uỷ quyền và Hợp đồng uỷ quyền. Tuy nhiên, kể từ ngày Thông tư 01/2020/TT-BTP[1] ngày 03/03/2020 của Bộ Tư pháp có hiệu lực (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/4/2020), các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công chứng, chứng thực lại không được phép tiến hành chứng thực chữ ký trên “Giấy uỷ quyền” trong trường hợp uỷ quyền tham gia tố tụng. Cụ thể theo Điều 14 Thông tư 01/2020/TT-BTP của Bộ Tư pháp quy định chỉ được chứng thực chữ ký trên Giấy uỷ quyền trong 04 trường hợp:

– Ủy quyền về việc nộp hộ, nhận hộ hồ sơ, giấy tờ, trừ trường hợp pháp luật quy định không được ủy quyền;

– Ủy quyền nhận hộ lương hưu, bưu phẩm, trợ cấp, phụ cấp;

– Ủy quyền nhờ trông nom nhà cửa;

– Ủy quyền của thành viên hộ gia đình để vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội.

Đối với việc ủy quyền không thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì không được yêu cầu chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền; người yêu cầu chứng thực phải thực hiện các thủ tục theo quy định về chứng thực hợp đồng, giao dịch.

Thông tư 01/2020/TT-BTP ngày 03/03/2020 của Bộ Tư pháp là Thông tư hướng dẫn Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính Phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch. Trong khi Nghị định 23/2015/NĐ-CP cho phép chứng thực chữ ký trong Giấy ủy quyền tham gia tố tụng nếu thuộc trường hợp ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản[2] thì Thông tư 01/2020/TT-BTP lại bó hẹp phạm vi của Nghị định 23/2015/NĐ-CP, chỉ cho phép chứng thực chữ ký trên Giấy uỷ quyền trong 4 trường hợp nêu tại Điều 14 Thông tư này.

Rõ ràng, Điều 14 Thông tư 01/2020/TT-BTP không những trái với BLTTDS 2015 mà còn thiếu thống nhất với văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có hiệu lực pháp lý cao hơn là Nghị định 23/2015/NĐ-CP. Theo nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật thì trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Trong trường hợp này, Nghị định 23/2015/NĐ-CP phải được ưu tiên áp dụng, đương sự được quyền chứng thực chữ ký trên Giấy uỷ quyền để uỷ quyền tham gia tố tụng nếu có nhu cầu chứng thực.

Tuy nhiên, trên thực tế các tổ chức, cơ quan có thẩm quyền công chứng, chứng thực lại không đủ “dũng cảm” để chứng thực chữ ký trên Giấy uỷ quyền tham gia tố tụng do tâm lý sợ sai – sai với Thông tư hướng dẫn chuyên ngành của Bộ Tư pháp. Vướng mắt này đến nay vẫn chưa được tháo gỡ. Điều này dẫn đến một bất cập là Tòa án vẫn chấp nhận Giấy ủy quyền tham gia tố tụng, nhưng các tổ chức, cơ quan có thẩm quyền công chứng, chứng thực lại không thực hiện thủ tục chứng thực chữ ký trên Giấy ủy quyền tham gia tố tụng.

  1. Thực trạng, nguyên nhân các Toà án yêu cầu đương sự phải công chứng, chứng thực văn bản uỷ quyền

Pháp luật về tố tụng dân sự không bắt buộc văn bản uỷ quyền phải công chứng, chứng thực (trừ trường hợp uỷ quyền thực hiện quyền kháng cáo). Tuy nhiên, thực tế là hầu hết các Toà án chỉ chấp nhận tư cách tham gia tố tụng của người được uỷ quyền khi văn bản uỷ quyền được công chứng, chứng thực.

Theo tác giả, đây là sự thận trọng quá mức cần thiết của các Toà án nhưng là sự thận trọng nửa vời và có nguy cơ xâm phạm đến quyền lợi của các đương sự.

Vì sao tác giả cho rằng đây là sự thận trọng nửa vời?

Thực tế tố tụng tại các Toà án có thể thấy đối với trường hợp pháp nhân uỷ quyền cho một người khác tham gia tố tụng thì văn bản uỷ quyền chỉ cần có chữ ký của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân và có đóng dấu của pháp nhân là được Toà án chấp nhận, không cần phải công chứng, chứng thực như văn bản uỷ quyền của cá nhân. Có thể quan điểm của Toà án là văn bản uỷ quyền của pháp nhân đã có đóng dấu của pháp nhân nên không cần công chứng, chứng thực, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm với việc uỷ quyền của mình khi đã đóng dấu vào văn bản uỷ quyền. Quan điểm này là cực kỳ sai lầm, bởi nếu đúng là con dấu của pháp nhân nhưng chữ ký không phải là chữ ký của người đại diện hợp pháp của pháp nhân thì văn bản uỷ quyền này cũng không có giá trị pháp lý. Mặc khác, không có cơ sở để Toà án xác định đó có phải là con dấu của pháp nhân hay không, đặc biệt là trong bối cảnh mà Luật Doanh nghiệp 2020 (đã được Quốc Hội thông qua ngày 17/6/2020 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2021) đã bãi bỏ quy định về công bố mẫu dấu và trong tương lai có thể là sẽ bãi bỏ luôn các quy định về đăng ký con dấu của doanh nghiệp.

Toà án đã thận trọng khi yêu cầu các đương sự là cá nhân phải công chứng, chứng thực văn bản uỷ quyền nhưng lại không buộc đương sự là pháp nhân phải công chứng, chứng thực văn bản uỷ quyền. Đây là sự thận trọng nửa vời và có phần bất bình đẳng giữa đương sự là pháp nhân và đương sự là cá nhân trong cách nhận thức của các Toà án.

Sự thận trọng của Toà án là vượt quá yêu cầu của pháp luật và có nguy cơ xâm phạm đến quyền lợi của các đương sự?

Nguyên tắc thực thi pháp luật là Cơ quan Nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Rõ ràng Toà án buộc các đương sự phải công chứng, chứng thực văn bản uỷ quyền là vượt quá yêu cầu của pháp luật và có nguy cơ xâm phạm đến lợi ích của đương sự. Thực tế, có nhiều trường hợp đương sự không thể đến các tổ chức hành nghề công chứng hoặc uỷ ban nhân dân các cấp (hoặc cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài đối với đương sự là người nước ngoài) để thực hiện việc công chứng, chứng thực do có cách trở về địa lý, bị khuyết tật về thể chất, việc đi lại khó khăn, giấy tờ nhân thân không đầy đủ hoặc không có đủ thời gian để làm thủ tục công chứng, chứng thực…, đó là chưa kể đến việc các tổ chức, cơ quan có thẩm quyền công chứng, chứng thực còn có nhận thức chưa thống nhất về hình thức của văn bản uỷ quyền tham gia tố tụng (Giấy uỷ quyền hay Hợp đồng uỷ quyền), gây khó khăn trong thủ tục công chứng, chứng thực văn bản uỷ quyền tham gia tố tụng. Do đó, việc Toà án buộc đương sự phải công chứng, chứng thực hợp đồng uỷ quyền sẽ có nguy cơ làm phức tạp thêm tình hình của đương sự.

Nguyên nhân dẫn đến sự thận trọng của Toà án (buộc các đương sự phải công chứng, chứng thực văn bản uỷ quyền) có thể xuất phát từ lý do văn bản uỷ quyền có thể bị làm giả mạo, dẫn đến ý chí được xác lập trong văn bản uỷ quyền không phải là của đương sự. Trong khi đó, hậu quả pháp lý do hành vi của người được uỷ quyền trong tố tụng gây ra là rất lớn. Bất cứ một sự quyết định nào của người được uỷ quyền cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (Ví dụ: rút đơn khởi kiện, thay đổi yêu cầu khởi kiện, thương lượng dẫn đến giảm nghĩa vụ cho đương sự khác…).

Rõ ràng Toà án có lý khi đặt ra nghi ngờ về tính trung thực của văn bản uỷ quyền, thà thận trọng còn hơn để xảy ra hậu quả khó có thể khắc phục. Việc làm này của Toà án, theo hướng tích cực cũng sẽ bảo đảm được quyền lợi của các đương sự, tránh được sự giả mạo uỷ quyền tham gia tố tụng.

  1. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Rõ ràng có sự chênh nhau trong quy định của pháp luật và thực tế áp dụng, thực hiện pháp luật liên quan đến hình thức của văn bản uỷ quyền tham gia tố tụng. Để bảo đảm thủ tục uỷ quyền là minh bạch, thống nhất và để bảo đảm văn bản uỷ quyền tham gia tố tụng là đáng tin cậy, hạn chế những rủi ro cho chính các đương sự do hành vi giả mạo uỷ quyền gây ra, theo tác giả pháp luật cần phải có những thay đổi sau đây:

Thứ nhất, bãi bỏ hiệu lực của Điều 14 Thông tư 01/2020/TT-BTP ngày 03/03/2020 của Bộ Tư pháp: Điều Luật có nội dung trái với BLTTDS năm 2015 và Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính Phủ, làm hạn chế quyền lựa chọn hình thức văn bản uỷ quyền của đương sự.

Thứ hai, Pháp luật về tố tụng Dân sự nên có sự điều chỉnh theo hướng cho phép đương sự lựa chọn một trong hai hình thức uỷ quyền sau đây:

– Uỷ quyền ngoài Toà án: Nếu việc uỷ quyền được thực hiện ngoài Toà án thì phải được lập thành văn bản và có công chứng, chứng thực hợp pháp. Văn bản uỷ quyền có thể là Giấy uỷ quyền hoặc Hợp đồng uỷ quyền.

– Uỷ quyền tại Toà án: Nếu việc uỷ quyền được thực hiện tại Toà án thì phải được lập thành văn bản trước sự chứng kiến của Thẩm phán hoặc người được Chánh án Tòa án phân công. Thẩm phán xác nhận việc chứng kiến bằng việc ký tên, đóng dấu (con dấu của Toà án) vào văn bản uỷ quyền và ghi rõ: “Tôi đã chứng kiến việc lập văn bản uỷ quyền này”.

Trên đây là một số bình luận của tác giả liên quan đến hình thức của văn bản uỷ quyền tham gia tố tụng tại Toà án trong vụ án Dân sự. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của Quý độc giả.

[1] Thông tư 01/2020/TT-BTP ngày 03/3/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/nđ-cp ngày 16 tháng 02 năm 2015 của chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch

[2] Điểm d Khoản 4 Điều 24 Nghị định 23 ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính Phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch

Luật sư PHAN THANH NAM

Các tin khác

CÔNG TY LUẬT TNHH QA VÀ CỘNG SỰ