MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ SỬ DỤNG CHỨNG CỨ TRONG LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM
MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ SỬ DỤNG CHỨNG CỨ TRONG LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM
MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ SỬ DỤNG CHỨNG CỨ TRONG LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM
MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ SỬ DỤNG CHỨNG CỨ TRONG LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM
MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ SỬ DỤNG CHỨNG CỨ TRONG LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM
MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ SỬ DỤNG CHỨNG CỨ TRONG LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM
Dịch vụ
MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ SỬ DỤNG CHỨNG CỨ TRONG LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM
Chứng cứ là phương tiện của việc chứng minh, của việc xác định các sự kiện có ý nghĩa với việc giải quyết vụ án hình sự. Thông qua các tài liệu, chứng cứ các sự kiện thực tế được xác định, khẳng định và đồng thời cũng phủ định, loại trừ các sự kiện không xảy ra trong thực tế. Rõ ràng vai trò, giá trị của chứng cứ là rất quan trọng, là cơ sở duy nhất, là phương tiện duy nhất để chứng minh trong vụ án hình sự. Khi giải quyết vụ án hình sự, trong quá trình thực hiện các hoạt động tố tụng, cơ quan điều tra, viện kiểm sát và toà án cần xác minh những sự việc có liên quan đến tội phạm đang được tiến hành xem xét, cần phải khẳng định được rằng tội phạm đã xảy ra, xác định được người cụ thể đã thực hiện tội phạm và họ phải chịu trách nhiệm về hành vi đã thực hiện.
Tất cả các sự kiện và tình tiết của vụ án phải phù hợp với hiện thực khách quan. Để làm được điều đó, cơ quan tiến hành tố tụng phải dựa vào chứng cứ. Thông qua chứng cứ, kiểm sát viên thực hành quyền công tố trước toà án đưa ra lời buộc tội đối với bị cáo, còn người bào chữa và thân chủ của họ có thể bác bỏ lời buộc tội hoặc đưa ra những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo. Việc nghiên cứu, xác định các sự kiện, tình tiết của vụ án được tiến hành trên cơ sở của các chứng cứ và chỉ bằng cách dựa vào các chứng cứ mới làm sáng tỏ được những vấn đề cần chứng minh trong vụ án hình sự.
Thông qua việc phát hiện chứng cứ, xem xét và ghi nhận chứng cứ về mặt tố tụng, kiểm tra tính xác thực của chứng cứ, đánh giá chứng cứ, cơ quan tiến hành tố tụng có thể nghiên cứu đầy đủ và toàn diện các tình tiết của vụ án, xác định sự phù hợp của chúng với hiện thực từ đó tìm ra chân lý khách quan. Như vậy, quá trình chứng minh thực chất và nói chung là quá trình giải quyết chứng cứ, mọi giai đoạn của tố tụng hình sự đều được mở ra và kết thúc từ vấn đề chứng cứ, xuất phát từ chứng cứ. Vì vậy, chứng cứ là một trong những vấn đề có vị trí đặc biệt quan trọng trong lý luận cũng như trong thực tiễn của hoạt động tố tụng hình sự. Việc nhận thức đúng vấn đề chứng cứ sẽ là cơ sở lý luận, định hướng đúng đắn cho quá trình thu thập, nghiên cứu, kiểm tra, đánh giá chứng cứ.
Thông thường, một vụ án hình sự xảy ra bao giờ cũng để lại dấu vết và những dấu vết đó được thể hiện dưới những hình thức khác nhau, mà những dấu xết này có ý nghĩa quan trọng nhằm xác định có hay không có hành vi phạm tội. Các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ căn cứ vào những dấu vết đã thu thập được để khởi tố, truy tố hay xét xử một người đã có hành vi phạm tội, những dấu vết đó được gọi là chứng cứ. Theo quy định tại Điều 64 BLTTHS thì: “1.Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự do Bộ luật này quy định mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.
2. Chứng cứ được xác định bằng:
a) Vật chứng;
b) Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo;
c) Kết luận giám định;
d) Biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác.”
Như vậy, xét về bản chất, chứng cứ là những thông tin, tài liệu hay những gì có thật được cơ quan tiến hành tố tụng thu thập, kiểm tra và đánh giá theo quy định của pháp luật nhằm phục vụ cho việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự. Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì một thông tin, tài liệu chỉ có thể được coi là chứng cứ của vụ án khi nó có đủ ba thuộc tính sau:
-Tính khách quan: Là những gì có thật và phản ánh trung thực những tình tiết của vụ án hình sự đã xảy ra.
- Tính liên quan: Có mối quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với vụ án. Nhưng cho dù là trực tiếp hay gián tiếp thì đó cũng phải là mối quan hệ nội tại, có tính nhân quả, tức là chứng cứ phải là kết quả của một loại hành vi hoặc hành động hoặc một quan hệ nhất định, ngược lại, hành vi, hành động hoặc quan hệ đó là nguyên nhân dẫn đến việc hình thành các chứng cứ này.
- Tính hợp pháp: Tất cả những gì có thật phải được cung cấp, thu thập, nghiên cứu, bảo quản theo một trình tự do luật định. Đây là trình tự nhằm bảo đảm giá trị chứng minh của chứng cứ.
Trong thực tế, tính hợp pháp của chứng cứ được xác định thông qua hoạt động chứng minh được toà án và tất cả người tham gia tố tụng thực hiện và tuân thủ.
Trong quá trình chứng minh, trong các giai đoạn tố tụng, hoạt động sử dụng chứng cứ gắn liên với hoạt động đánh giá chứng cứ, đánh giá chứng cứ và sử dụng chứng cứ có mối quan hệ chặt chẽ không tách rời. Đánh giá chứng cứ là tiền đề, là điều kiện cho sử dụng chứng cứ. Sử dụng chứng cứ là sự kiểm nghiệm, xác định lại kết quả của hoạt động đánh giá chứng cứ. Đánh giá chứng cứ không đúng, tất yếu dẫn đến kết quả sai lầm, không đúng đắn của việc sử dụng. Ngược lại, việc sử dụng chứng cứ sai mục đích, không phù hợp giữa nội dung, giá trị chứng minh của chứng cứ với đối tượng cần phải chứng minh là làm hạn chế kết quả của hoạt động đánh giá chứng cứ.
Để đảm bảo việc sử dụng chứng cứ trong quá trình chứng minh vụ án hình sự một cách hiệu quả, cần nắm rõ được mục đích của việc sử dụng chứng cứ đó là:
* Trong các giai đoạn tố tụng hình sự, chứng cứ đã thu thập được trọng vụ án được sử dụng để phát hiện, thu thập chứng cứ mới. Việc hoàn thiện nhận thức chân lý khách quan được hình thành dần trong các giai đoạn tố tụng, qua việc nhận thức chứng cứ của vụ án. Tuy nhiên, trong các giai đoạn tố tụng không phải tất cả các vụ án đều đã có đầy đủ các chứng cứ, nhất là trong giai đoạn điều tra vụ án. Vì vậy, việc phats hiện và thu thập thêm chứng cứ mới là hoạt động được tiến hành liên tục cho đến khi các cơ quan tiến hành tố tụng có đủ chứng cứ chứng minh sự thật vụ án. Một trong những cách thức được sử dụng để thu thập thêm những chứng cứ mới là sử dụng chứng cứ đã có, đã thu thập được từ trước. Từ lời khai của người bị hại, với những nội dung xác thực đã buộc bị can phải thay đổi thái độ khai báo, thừa nhận những lời cung trước đó là gian dối, không đúng sự thật, bị can đã phải nhận tội, khai ra những kẻ đồng phạm khác, cũng như những tài sản mà chúng đã chiếm đoạt, khai báo ra nới cất giấu, tiêu thụ tài sản đó.
* Chứng cứ đã thu thập được trong vụ án dùng để nghiên cứu, kiểm tra và đánh giá tài liệu, chứng cứ mới và ngược lại. Trong cùng một vụ án, các chứng cứ có thể được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, song chúng đều có quan hệ với nhau bởi những mối liên hệ logic, biện chứng. Để các định giá trị từng chứng cứ không thể không xem xét đến toàn bộ hệ thống chứng cứ, không thể không so sánh giá trị giữa các chứng cứ với nhau và tất yếu không thể không kiểm tra giá trị của chúng. Việc kiểm tra được tiến hành theo chiều thuận, từ chứng cứ đã có kiểm tra chứng cứ mới, hoặc ngược lại từ chứng cứ mới thu thập dùng để kiểm tra chứng cứ đã thu thập từ trước. Chẳng hạn sử dụng dầu vân tay của kẻ phạm tội để lại ở hiện trường, cùng lời khai của người làm chứng để phủ định, bác bỏ lời khai về việc không có mặt ở hiện trường của kẻ phạm tội…
*Trong quá trình chứng minh ở các giai đoạn tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải sử dụng chứng cứ để ra quyết định tố tụng. Căn cứ vào các nguồn theo Điều 100 và 105 Bộ luật TTHS, các cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định khởi tố vụ án. “ Khi có đủ căn cứ để xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can …” (Điều 126 BLTTHS). “1. Khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra phải làm bản kết luận điều tra. 2. Việc điều tra kết thúc khi Cơ quan điều tra ra bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc ra bản kết luận điều tra và quyết định đình chỉ điều tra…” ( Điều 162 BLTTHS). Trong hoạt động kiểm sát điều tra, quyết định việc truy tố, Viện kiểm sát, kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố, bảo đảm việc điều tra được khách quan toàn diện và đầy đủ. Khi ra các quyết định tố tụng, đồi hỏi Viện kiểm sát phải tiến hành nghiên cứu, kiểm tra, đánh giá toàn bộ chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, các quyết định cuối cùng phải dựa trên cơ sở việc sử dụng đầy đủ, đúng đắn các chứng cứ. Tại khoản 1 Điều 167 Bộ luật TTHS đã quy định : “Nội dung bản cáo trạng phải ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm xảy ra tội phạm; thủ đoạn, mục đích, động cơ phạm tội, hậu quả của tội phạm và những tình tiết quan trọng khác; những chứng cứ xác định tội trạng của bị can, những tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; nhân thân của bị can và mọi tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án. Phần kết luận của bản cáo trạng ghi rõ tội danh và điều khoản của Bộ luật hình sự được áp dụng”. Hoặc khi quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung, nếu như qua nghiên cứu hồ sơ vụ án phát hiện thấy: “ 1.Còn thiếu những chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà Viện kiểm sát không thể tự mình bổ sung được;………..” (Khoản 1 Điều 168 Bộ luật TTHS). Trong giai đoạn xét xử, mọi kết luận, quyết định cuối cùng Tòa án nhân dân cũng hoàn toàn dựa trên cở sở việc sử dụng chứng cứ. Chẳng hạn khi ra bản án, bản án của Tòa án phải dựa trên cơ sở chứng cứ đã thu thập, được kiểm tra chứng minh công khai tại phiên tòa.“ Trong bản án phải trình bày việc phạm tội của bị cáo, phân tích những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định không có tội, xác định bị cáo có phạm tội hay không và nếu bị cáo phạm tội thì phạm tội gì, theo điều, khoản nào của Bộ luật hình sự, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và cần phải xử lý như thế nào. Nếu bị cáo không phạm tội thì bản án phải ghi rõ những căn cứ xác định bị cáo không có tội và phải giải quyết việc khôi phục danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Phần cuối cùng của bản án ghi những quyết định của Toà án và quyền kháng cáo đối với bản án.” (Khoản 3 Điều 224 Bộ luật TTHS). Trong trường hợp hồ sơ vụ án không có chứng cứ, chứng cứ chưa đầy đủ thì Tòa án không thể tiến hành xét xử, Thẩm phán có quyền ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung: “a) Khi cần xem xét thêm những chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà không thể bổ sung tại phiên tòa được;…” ( điểm a khoản 1 Điều 179 Bộ luật TTHS).
Để việc sử dụng chứng cứ đạt được mục đích, dựa trên cơ sở, yêu cầu của pháp luật và thực tiễn tiến hành hoạt động chứng minh, chủ thể tiến hành tố tụng cần phải quán triệt và thực hiện một số vấn đề mang tính nguyên tắc trong sử dụng chứng cứ đó là:
Chấp hành nguyên tắc khách quan toàn diện và đầy đủ trong tố tụng hình sự.
Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng chỉ được sử dụng những chứng cứ đã được phát hiện, thu thập theo đúng qui định của pháp luật tố tụng hình sự. Các tài liệu, chứng cứ thu thập được qua biện pháp điều tra, trinh sát, phải được chuyển hóa thành chứng cứ hợp pháp mới được sử dụng. Những tài liệu, chứng cứ phải được kiểm tra, xác minh đầy đủ, phải đảm bảo đầy đủ ba thuộc tính của chứng cứ, phải phù hợp với thực tế khách quan, đảm bảo sự tin cậy vững chắc và có đủ căn cứ mới sử dụng được. Tiyệt đối không sử dụng chứng cứ chưa qua nghiên cứu, kiểm tra, xác minh làm căn cứ, cơ sở để đưa ra những quyết định pháp lý, hoặc sử dụng vào việc kiểm tra, đánh giá các chứng cứ khác. Khi sử dụng chứng cứ không được định kiến, chủ quan, thiên lệch, coi trọng chứng cứ này mà bỏ qua chứng cứ kia, chỉ coi trọng sử dụng chứng cứ gốc, chứng cứ trực tiếp mà bỏ qua, coi nhẹ chứng cứ sao chép, chứng cứ thuật lại, chứng cứ gián tiếp, không chỉ sử dụng chứng cứ buộc tội mà sử dụng cả chứng cứ gỡ tội và ngược lại. Khi ra một quyết định tố tụng kết luận về bất cứ vấn đề nào đó hay toàn bộ mọi vấn đề trong vụ án, người tiến hành tố tụng phải sử dụng tổng hợp mọi chứng cứ trong vụ án.
Khi sử dụng chứng cứ phải tuân theo đúng những qui định của pháp luật.
Pháp luật tố tụng hình sự đã qui định thế nào là chứng cứ, chứng cứ được xác định ở những nguồn cụ thể. Việc sử dụng những chứng cứ ở nguồn luật định phải chấp hành nghiêm chỉnh theo những qui định của pháp luật tố tụng. Đặc biệt với những chứng cứ là lời khai của những người tham gia tố tụng, do đặc điểm của những chứng cứ này thường bị xen lẫn yếu tố chủ quan, dễ bị sai lệch, vì vậy khi sử dụng các lời khai của người tham gia tố tụng ở các tư cách khác nhau phải tuân theo đúng những qui phạm trong Bộ luật tố tụng hình sự. Chẳng hạn, khi sử dụng lời khai của bị can, bị cáo làm chứng cứ thì phải hết sức thận trọng vì “ …Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội” (khoản 2 Điều 72 BLTTHS). Đối với bị can, bị cáo là vị thành niên, hoặc người làm chứng dưới 16 tuổi thì chỉ được sử dụng lời cung của bị can, bị cáo, lời khai của người làm chứng ( là vị thành niên) để làm chứng cứ của vụ án khi việc hỏi cung được tiến hành theo đúng qui định của pháp luật; “…Trong trường hợp người bị tạm giữ, bị can là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi hoặc là người chưa thành niên có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc trong những trường hợp cần thiết khác, thì việc lấy lời khai, hỏi cung những người này phải có mặt đại diện của gia đình, trừ trường hợp đại diện gia đình cố ý vắng mặt mà không có lý do chính đáng……..Tại phiên toà xét xử bị cáo là người chưa thành niên phải có mặt đại diện của gia đình bị cáo, trừ trường hợp đại diện gia đình cố ý vắng mặt mà không có lý do chính đáng, đại diện của nhà trường, tổ chức….” (khoản 2,3 Điều 306 BLTTHS); “…Khi lấy lời khai của người làm chứng dưới 16 tuổi phải mời cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp khác hoặc thầy giáo, cô giáo của người đó tham dự…” (khoản 5 Điều 135 BLTTHS). Đối với lời khai của người bị hại, của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, thì không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do những người trên trình bày, nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó ( các Điều 68, 69,70 BLTTHS). Khi sử dụng lời khai của người làm chứng cần lưu ý “1.Người làm chứng trình bày những gì mà họ biết về vụ án, nhân thân của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, quan hệ giữa họ với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, người làm chứng khác và trả lời những câu hỏi đặt ra. 2. Không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do người làm chứng trình bày, nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó.” (Điều 67 BLTTHS).
Sử dụng chứng cứ phải đảm bảo tính kịp thời
Sau khi phát hiện, thu thập chứng cứ, cơ quan tiến hành tố tụng cần tiến hành nghiên cứu, kiểm tra, đánh giá ngay để sử dụng nhằm đảm bảo tính nhanh chóng, kịp thời của các hoạt động tiếp theo, vừa đảm bảo thời gian đã được quy định đối với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vừa đảm bảo yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, ngăn chặn tội phạm có thể xảy ra, hạn chế những thiệt hại cho xã hội, bắt giữ ngay kẻ phạm tội không để chúng có thời gian lẩn trốn, tiêu hủy tài sản, chứng cứ tang vật, xóa hết dấu vết hoặc tiếp tục gây án. Mặt khác, các chứng cứ sau khi kiểm tra đánh giá, đã xác định được giá trị chứng minh của chứng cứ thì chỉ được sử dụng đúng với giá trị của nó, giá trị chứng minh của từng chứng cứ đều có những giới hạn, phạm vi nhất định, việc sử dụng cần căn cứ vào giới hạn, giá trị chứng minh của từng chứng cứ, không được phép phán đoán chủ quan, sử dụng gượng ép, ngoài khả năng chứng minh của từng chứng cứ. Sử dụng đúng giá trị chứng minh của chứng cứ cho phép người tiến hành tố tụng xác định đúng sự thật khách quan, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt kẻ phạm tội. Ví dụ: Tại nhà riêng của Trần Văn T, cơ quan tiến hành tố tụng xác định phát hiện thấy có 1 chiếc xe máy, là tài sản đã bị chiếm đoạt trong một vụ trộm cắp xảy ra trước đó. Cơ quan tiến hành tố tụng không thể chỉ căn cứ vào chiếc xe máy có tại nhà riêng của Trần Văn T để ra quyết định khởi tố T hoặc quyết định bắt giữ T, bởi vì chưa có chứng cứ xác định mối quan hệ nhân quả giữa những hành vi mà T thực hiện để có chiếc xe máy đó, chưa có chứng cứ xác định mối quan hệ sở hữu giữa T và chiếc xe máy là hợp pháp hay bất hợp pháp….Chiếc xe máy có tại nhà riêng của T có thể do kẻ phạm tội có mối quan hệ thân quen với T sau khi trộm cắp được xe máy đã gửi ở đó, T không biết là tài sản trộm cắp nên đã cho gửi, hoặc cũng có thể do T không biết đó là tài sản phạm pháp nên đã mua nhầm…Trong trường hợp này, cơ quan tiến hành tố tụng phải đặt các giả thiết khác nhau, tiến hành các biện pháp điều tra, xác minh làm rõ mối quan hệ của T với chiếc xe máy, vì sao chiếc xe đó lại có ở tại nhà riêng của T? có đúng đó là chiếc xe bị trộm cắp không? Quan hệ của T với chủ xe như thế nào?…Chỉ khi nào có đủ chứng cứ chứng minh T đã phạm tội trộm cắp tài sản là chiếc xe máy thì mới quyết định bắt giữ T.
Một ví dụ nữa: Nguyễn Tuấn N là cán bộ hải quan đang làm nhiệm vụ ở cửa khẩu, N phát hiện Hoàng Văn H chở thuốc lá lậu quan biên giới, H đã đưa một khoản tiền cho N để N bỏ quan và cho H chuyển thuốc lá lậu qua biên giới. Sự việc bị phát giác, cơ quan tiến hành tố tụng phải căn cứ vào chứng cứ đã có để khởi tố vụ án, khởi tố Nguyễn Tuấn N hai tội: Tội nhận hối lộ và tội buôn lậu qua biên giới với vai trò là đồng phạm. Nếu không khởi tố N về tội buôn lậu quan biên giới, chỉ căn cứ vào hành vi nhận tiền của N và khởi tố một tội nhận hối lộ là bỏ lọt tội phạm, là không sử dụng hết giá trị chứng minh của chứng cứ.
Vật chứng là chứng cứ phải đảm bảo sử dụng nhiều lần.
Không được xử lý vật chứng trước khi có quyết định của người có thẩm quyền, xử lý vật phải theo đúng qui định của pháp luật tố tụng hình sự, không được làm mất mát, hư hỏng, thất lạc chứng cứ vì trong một vụ án, vật chứng là chứng cứ không thể thay thế được, vật chứng được phát hiện, thu thập ngay từ giai đoạn điều tra, có nhiều vật chứng việc bảo quản rất phức tạp, khó khăn, tuy nhiên để đảm bảo sử dụng chứng cứ bằng vật chứng vào việc chứng minh vụ án đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải tuân thủ nghiêm chỉnh những qui định của Bộ luật TTHS. Trong mọi trường hợp, khi vụ án chưa giải quyết xong, chưa có quyết định xử vật chứng theo qui định của pháp luật thì vật chứng phải được bảo quản, gìn giữ nguyên vẹn giá trị chứng minh và cả giá trị kinh tế của vật chứng, phải đảm bảo cho vật chứng có giá trị chứng minh được sử dụng nhiều lần cho đến khi kết thúc vụ án. Đặc biệt phải thận trọng khi sử dụng vật chứng là công cụ, hung khí, là vũ khí, chất nổ, những vật mang vết, dễ vỡ, dễ bị xóa dấu vết, những tài liệu chỉ có một bản là chứng cứ gốc chứng minh hành vi phạm tội của bị can, bị cáo….Khi sử dụng để đấu tranh với bị can, bị cáo tuyệt đối không được đưa cho bị can, bị cáo trực tiếp cầm, nắm vật chứng, đề phòng bị can, bị cáo sử dụng ngay hung khí, vũ khí đó để khống chế, hành hung người tiến hành tố tụng hoặc chúng có thể tiêu hủy, xóa dấu vết làm mất giá trị chứng minh của chứng cứ.
Tóm lại: Sử dụng chứng cứ phải tuân thủ nguyên tắc khách quan, toàn diện và đầy đủ trong tố tụng hình sự. Chỉ sử dụng các chứng cứ được phát hiện, thu thập theo đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự, và các chứng cứ đó phải được kiểm tra đầy đủ, bảo đảm ba thuộc tính của chứng cứ và phải phù hợp với thực tế khách quan. Trong quá trình tiến hành tố tụng, không chỉ cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng được sử dụng chứng cứ vào quá trình chứng minh mà tất cả những người tham gia tố tụng, các tổ chức xã hội và mọi công dân đều có quyền đưa ra chứng cứ, sử dụng chứng cứ nhằm làm sáng tỏ sự thật khách quan. Tuy nhiên muốn sử dụng chứng cứ một cách hiệu quả, đạt mục đích thì phải nhận thức đầy đủ về chứng cứ. Đối với người tiến hành tố tụng có nhận thức đúng về chứng cứ thì quá trình chứng minh, việc phát hiện, thu giữ chứng cứ mới đúng, nếu nhận thức sai về chứng cứ, sẽ phát hiện, thu giữ những sự kiện, hiện tượng không phải là chứng cứ trong vụ án, từ đó dẫn tới việc sử dụng sai và giải quyết vụ án không đúng. Đối với người tham gia tố tụng có nhận thức đúng vấn đề về chứng cứ mới thực hiện quyền của mình như cung cấp và đưa ra chứng cứ có giá trị chứng minh tới các cơ quan tiến hành tố tụng, tạo điều kiện giải quyết vụ án được đúng đắn, kịp thời. Chứng cứ cũng cần phải được mọi người, mọi công dân nhận thức đầy đủ để từ đó bảo quản, giữ nguyên giá trị chứng minh của chứng cứ từ khi phát hiện đến khi cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền. Nhận thức đúng về chứng cứ những người tham gia tố tụng cũng như mọi công dân có thể sử dụng chứng cứ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình./.